Cạo Vôi Răng

Tại sao cần phải cạo vôi răng?

Hầu như chúng ta ai cũng có vấn đề sức khỏe răng miệng. Sâu răng ở trẻ em là vấn đề nổi bật. Số liệu từ các chương trình nha học đường cho thấy 96-98% trẻ em bị sâu răng.

Còn ở người lớn thì nha chu là vấn đề sức khỏe răng miệng phổ biến nhất. Chưa có một thống kê chính thức nào về tần suất của nha chu, tuy nhiên theo các bác sĩ nha khoa, bệnh nha chu hầu như ai đến các phòng khám nha khoa cũng bị.

Vôi răng, nha chu và… mất răng

Nha chu là hiện tượng viêm nướu hay viêm những mô xung quanh răng.

Triệu chứng của bệnh nha chu là viêm nướu, người bệnh bị chảy máu ở chân răng và nướu răng, nướu răng sưng đỏ và đau… lâu dần sẽ hình thành những túi (túi nha chu) bám ở vùng thân răng xung quanh vùng nướu bị viêm. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới tình trạng mưng mủ, tụt nướu, tiêu xương, răng lung lay và cuối cùng là rụng răng.

Nguyên nhân của nha chu là do vôi răng. Vôi răng được hình thành như sau: những mảnh vụn thức ăn còn sót lại trên răng cùng với xác vi khuẩn tạo thành các mảng bám dính trên răng. Những mảng bám này lúc đầu mềm, do tồn tại lâu trong môi trường miệng có nhiều nước bọt trở nên cứng gọi là vôi răng. Vôi răng thường bám ở kẽ răng, cổ răng và dưới nướu răng.

Vôi răng sẽ đóng vai dị vật. Cơ thể chúng ta luôn đào thải các dị vật thông qua việc kích hoạt cơ chế miễn dịch (đây là lý do tại sao những người thay van tim, ghép thận… phải dùng thuốc ức chế miễn dịch suốt đời). Vôi răng cũng không là ngoại lệ, nó kích xúc nướu làm khởi phát phản ứng viêm tại chỗ bám ở nướu. Phản ứng viêm này tồn tại dai dẳng đến khi những dị vật này được lấy đi.

Trong môi trường miệng có rất nhiều vi khuẩn nên những chỗ viêm do tiếp xúc này bị bội nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn lại làm tình trạng viêm nướu nặng hơn nữa. Các mảng vôi đóng vai trò như một chướng ngại vật che chở các vi khuẩn nên chúng càng gây ra viêm nhiễm tại chỗ nặng nề hơn. Quá trình viêm nhiễm kéo dài đã làm xơ hóa mô nướu dẫn đến hậu quả tụt nướu, răng lung lay và cuối cùng mất răng.

Đáng lưu ý, những triệu chứng sớm của bệnh nha chu (viêm nướu, sưng nướu) thường không quá rầm rộ nên hay bị bỏ qua và chỉ được phát hiện khi bệnh đã đi vào giai đoạn trễ (tụt nướu, răng lung lay), do vậy khả năng bị mất răng khá cao.

Cạo vôi răng, đỡ phải trồng răng

Việc lấy vôi răng là một quy trình tương đối đơn giản nhưng đòi hỏi nhẹ nhàng trong thao tác, tỉ mỉ, nhằm loại bỏ những mảng bám và vết dính trên bề mặt răng. Trước kia lấy vôi răng được thực hiện bằng tay với những bộ dụng cụ chuyên dụng. Ngày nay vôi răng được làm sạch bằng máy siêu âm, độ rung của sóng siêu âm sẽ làm mảng bám bong tróc, ít gây tổn thương vùng nướu viền quanh răng cũng như giảm độ ê buốt.

Sóng siêu âm hoàn toàn vô hại đối với sức khỏe, ngày nay sóng siêu âm được sử dụng khá rộng rãi trong chẩn đoán và điều trị, an toàn ngay cả với bào thai.

Vôi răng không những có trên bề mặt răng mà còn ở xung quanh chân răng, phần nằm dưới nướu. Do vậy, không những cần làm sạch vôi ở thân răng mà cả ở dưới nướu. Lấy vôi dưới nướu là một quy trình tương đối khó, vì vôi bám lâu ngày nên rất cứng. Do phải nạo sâu xuống dưới nướu nên nướu có thể bị đau và ê hơn cạo vôi bình thường (cạo vôi trên nướu).

Lấy vôi răng định kỳ là cách tốt nhất để chủ động phòng ngừa bệnh nha chu. Tùy người, tùy cơ địa mà thời gian lấy vôi răng khác nhau. Thời gian giữa hai lần lấy vôi răng trung bình từ 3-6 tháng.

Hiệu quả của lấy vôi răng, nhất là lấy định kỳ, rất lớn, có vai trò vừa điều trị triệt để vừa dự phòng bệnh nha chu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người chưa coi trọng chuyện này. Việc lấy vôi răng không phải là kỹ thuật khó, có thể tiến hành một cách an toàn ở các phòng khám nha khoa. Tại sao lại tiếc vài giờ và vài trăm ngàn đồng cạo vôi để rồi phải tốn nhiều ngày và nhiều triệu đồng để trồng răng?

1
Tư vấn trực tuyến
Đăng Ký